Dế mèn có vòng đời khá ngắn nên phải chú ý chăm sóc cẩn thận từ chuồng nuôi, nguồn thức ăn,… đảm bảo an toàn để dế khỏe mạnh và sinh trưởng nhanh. Sau đây là toàn bộ kỹ thuật nuôi dế sinh sản tại nhà đơn giản giúp dế sinh trưởng đạt hiệu quả cao.

Kỹ thuật chọn giống dế sinh sản tốt

Bước đầu tiên trong kỹ thuật nuôi dế là phải biết cách chọn giống dế có khả năng sinh sản tốt cho mỗi lứa. Vậy nên, bà con cần phân biệt đặc điểm nhận dạng của dế đực và dế cái như sau:

  • Dế đực: phần bụng nhỏ nhưng đầu lại to. Cánh dế đực sẽ không bóng loáng mà thường có màu đen hoặc màu đen pha nâu. Tới mùa sinh sản vào ban đêm, dế đực thường cất tiếng gáy to, vang dài để gọi “bạn tình”.
  • Dế cái: khác với dế đực, dế cái có phần bụng lớn do đựng nhiều trứng. Cánh dế cái sẽ bóng láng, có màu sắc đen nháy. Bộ phận đít dế cái có máng dài để đựng trứng và đẻ trứng. Đặc biệt, dế cái không biết gáy như dế đực.

Sau khi phân biệt được dế đực và dế cái, bà con điểm lại các lưu ý sau đây để chọn được giống dế sinh sản tốt:

  • Chọn mua những con dế có sự lanh lẹ, khỏe mạnh, không bị mầm bệnh.
  • Mua những con dế cái có cái bụng lớn và mua con dế đực tiếng gáy to và cánh mượt.
  • Tỉ lệ dế đực và dế cái khi muốn nuôi dế lấy trứng thường dao động từ 15 con đực ghép với 30 đến 45 con cái. Cùng sinh sống trong một thùng nuôi.
Kỹ thuật nuôi dế
Dế cái sẽ không biết gáy như dế đực

Chuẩn bị dụng cụ nuôi dế

Làm chuồng nuôi dế

Cách làm chuồng nuôi đơn giản với ba chất liệu thùng sau đây:

  • Thùng carton kích thước 60x60cm: chất liệu carton giúp khô thoáng, hút ẩm tốt, không mùi nên bà con có thể chọn nuôi dế. Ngoài ra thùng carton bền khá lâu, nuôi nhiều lứa mới phải đi thay chuồng mới. Với kích thước 60x60cm, bà con nuôi từ 1 đến 2kg dế trong thùng carton.
  • Thùng gỗ: chất liệu cứng, bền chặt nên bà con có thể dùng nuôi liên tục trong nhiều năm. Với kích thước 60cm x 1,2m: nuôi được 20.000 dế con (từ 1-10 ngày tuổi) và 5kg dế thịt. Còn kích thước 1,2 × 1,2m: nuôi được 40.000 dế con (từ 1-10 ngày tuổi) và 10kg dế thịt.
  • Thùng lưới hoặc nuôi trong xô: thích hợp nuôi vào mùa hè vì khí hậu thông thoáng hơn. Nếu bà con chọn nuôi dế trong xô đựng nước thì lựa chọn dung tích 45 lít để nuôi được 10 dế được và 20 dế cái.

Một số lưu ý khi làm chuồng nuôi dế:

  • Thùng phải kín (không có lỗ thủng hay kẽ hở để không cho dế mới nở chui lọt được ra ngoài).
  • Bên trên thùng ấp cần đậy kỹ nắp và dùng tấm lưới muỗi để làm cửa thông hơi.
  • Mỗi thùng ấp nên đặt từ 3 đến 5 khay trứng, hoặc nhiều hơn.
Kỹ thuật nuôi dế
Kỹ thuật nuôi dế bằng nhiều loại thùng: thùng gỗ, carton,…

Làm giá đậu cho dế 

Vì tập tính của dế là loài thích leo trèo, bay nhảy nên bà con cần dùng cái rế để vào chuồng nuôi. Khi để rế vào, bà con xếp các rế thành nhiều tầng rế cao để cho dế thuận tiện leo trèo. Khi dế từ 4 – 5 ngày tuổi, bà con có thể đặt một cái rế vào thùng nuôi cho dế đậu vào. Còn khi dế từ 20 – 30 ngày tuổi, bà con sắp xếp từ 3 – 4 cái rế nồi chồng lên nhau.

Làm khay đẻ cho dế 

Bà con có thể làm khay đẻ cao từ 1,5 đến 2cm và vành mặt trên có mép rộng 1 đến 2cm. Sau đó khoét 1 lỗ ở giữa để cho đất vào bên trong. Đất đưa vào khay đẻ cho dế phải ẩm và tơi xốp. Bỏ vào với số lượng từ 20-25 khay đẻ trên một lứa dế sinh sản.

Bình phun nước

Giai đoạn ấp trứng rất cần bà con phun sương để giữ ẩm lớp mặt đất chỗ dế sinh sống. Vì trứng ấp cần phải có đủ độ ẩm khoảng trên dưới 70% thì mới nở được. Chuẩn bị bình xịt hay bình phun sương bơm tay, xịt ra tia nước nhỏ.

Làm khay đựng thức ăn nước uống 

Kỹ thuật nuôi dế trong khâu làm khay đựng thức ăn có thể linh hoạt làm bằng bìa carton cứng, nắp xô nhựa, miếng mica,… Còn khay đựng nước uống cho dế, bà con dùng khay nhựa, chiều cao khoảng 0,5 đến 0,7cm. Chú ý về ngấn nước bên trong khay chỉ nên cao từ 2-3 milimet, còn cho quá nhiều nước thì dế di chuyển uống nước có thể té chết.

Kỹ thuật nuôi dế
Khay đựng nước uống cho dế có thể làm bằng chai nhựa

Kỹ thuật nuôi dế đơn giản tại nhà

Kỹ thuật nuôi dế sinh sản không quá khó. Để nuôi dế sinh sản thành công và không mất nhiều công sức, bà con tuân thủ đúng các hướng dẫn dưới đây:

Chú ý vòng đời của dế sinh sản

Từ 45-60 ngày tuổi, dế đực sẽ gáy to để gọi bạn tình. Trong thời gian này dế đực đang rất hung hăng để tranh giành bạn tình với dế đực khác, cho đến chết thì thôi. Nếu dế cái thụ tinh thành công sẽ liên tục sinh sản trong 20 đến 25 ngày. Mỗi một con dế cái sẽ đẻ lên tới 600 đến 700 quả trứng. Khi đẻ hết trứng cũng là lúc dế cái sẽ chết.

Chọn thức ăn cho dế

Chuẩn bị thức ăn cho dế cần lưu ý về thức ăn phải tươi mới, không chứa chất độc hại thì dế mới phát triển nhanh và sinh sản tốt. Vậy cùng tìm hiểu dế mèn ăn gì và cách cho dế ăn như sau: 

  • Dế ăn thức ăn tinh: cần nghiền mịn hoặc dã nhuyễn để cho dế ăn. Cho dế ăn bằng cách rải cám lên khay đựng thức ăn với một lượng vừa đủ. Những thức ăn thừa bị ôi thiu, mốc, mất vệ sinh phải dọn đi, không làm ô nhiễm chuồng nuôi.
  • Dế ăn thức ăn xanh: búi rau cỏ thành bó nhỏ, khoảng 50-70g/bó. Mỗi thùng nuôi dế sẽ ăn từ 1-2 bó cỏ trong ngày. Khi dế ăn hết thức ăn thì mới cho thêm vào để cho rau luôn tươi xanh.
Kỹ thuật nuôi dế
Dế ăn thức ăn xanh như rau, cỏ không được ôi thiu

Dấu hiệu dế sắp đẻ

Dấu hiệu dế sắp đẻ đối với dế đực: khi dế đực bắt đầu gáy to để gọi dế cái, từ 2-3 ngày sau là bà con cho dế cái và dế đực vào một thùng nuôi riêng để thụ tinh sinh sản.

Dấu hiệu dế sắp đẻ đối với con cái: là phần hậu môn phía sau của chúng sẽ tiết ra chất dịch nhầy màu trắng. Dế cái bắt đầu đẻ rải rác từ 1 đến 2 ngày đầu tiên. Trứng của dế cái có hình dáng nhỏ và dài như hạt gạo, có màu trắng ngà.

Khi dế đẻ xong, bà con thu các khay trứng của dế lại và đánh từng số thứ tự. Đến 18h tối lại đưa các khay đẻ mới khác vào thùng nuôi cho dế sinh sản.

Ấp trứng dế

Ấp trứng dế cũng là một kỹ thuật nuôi dế cần thực hiện cho đúng. Sau khi bà con thu khay trứng sẽ đem xếp lần lượt vào thùng ấp theo số thứ tự trước sau. Hãy ghi lại ngày tháng để không quên thời gian sinh trưởng của mỗi con. Mỗi ngày, bà con nên phun sương tạo lớp ẩm trong khay trứng. Phun nước từ 2 – 3 lần để đất không bị ứ nước.

Lưu ý với bà con là không nên phun quá nhiều nước, dễ làm trứng bị ung (khi trứng ung sẽ chuyển sang màu nâu hoặc đen). Còn nếu để đất thiếu nước sẽ bị khô và trứng dế cũng không nở được.

San thùng

Khi san thùng, bà con không nên dùng tay để bắt, dễ làm dế con bị chết. Bà con nghiêng thùng nuôi 1 góc 90 độ, lúc này những con lớn hơn sẽ xông lên phía trước. Bà con chỉ cần việc dùng tấm bìa carton để gạt nhẹ chúng sang thùng khác là được. 

Kỹ thuật nuôi dế con sau khi nở 

Cơ thể dế con mới nở chỉ bằng 1 con kiến, có màu trắng và khoảng 3 tiếng sau sinh thì màu sắc dế con chuyển sang đen. Chúng có thể hoạt động được ngay sau đó. Sau đây là một số kỹ thuật nuôi dế con cần thực hiện sát sao:

Cách nuôi dế con từ 1 đến 30 ngày tuổi

Trong quá trình nuôi dế con, dùng bình phun sương tưới ẩm cho cỏ non. Từ sau 10 đến 15 ngày nuôi, bà con lấy khay đựng cám và đựng nước vào cho dế ăn. Cần thay rửa máng ăn uống mỗi ngày để thùng nuôi sạch sẽ, không gây khó chịu cho dế con. Ngoài ra, bà con không nuôi mật độ quá dày vì thời điểm này dế bắt đầu lột xác lần 1 để lớn.

 Với 1 thùng có bán kính đế 40 – 50cm và chiều cao 50 – 60cm: 1 – 10 ngày tuổi nuôi 3.000 – 4.000 con, 15 – 20 ngày tuổi nuôi 1.500 – 2.000 con. Giai đoạn dế con bắt đầu mọc cánh nuôi 500 – 700 con.

Cách nuôi dế thịt từ 30 đến 45 ngày tuổi

Đây cũng là thời điểm dế sẽ lột xác lần thứ 2, cánh và đầu của dế sẽ nhú ra. Bà con xếp thêm các rế vào thùng cho dế có không gian.Đặc biệt, kỹ thuật nuôi dế giai đoạn này phải cung cấp đủ thức ăn tinh mỗi ngày cho dế. Sau 45 ngày tuổi thì dế đã có thể xuất bán ra bên ngoài thị trường. Bà con nhớ giữ lại những con dế khỏe mạnh để làm giống cho giai đoạn sau này.

Kỹ thuật nuôi dế
Kỹ thuật nuôi dế thịt hiệu quả cần cung cấp đủ thức ăn cho dế

Với những chia sẻ đầy đủ về kỹ thuật nuôi dế phía trên, việc nuôi dế đã không còn khó khăn với những ai bắt đầu khởi nghiệp nuôi dế. Hy vọng bà con mình sẽ thành công nuôi dế sinh sản cao mà không tốn nhiều thời gian và tiết kiệm chi phí. 

Thông tin tham khảo: Sắc Ngọc Khang, Bệnh nám da, Hạnh phúc của mẹ